Thứ 6 ngày 20 tháng 04 năm 2018Lượt xem: 10612
Người Việt uống bia nhiều nhưng khẩu vị đơn điệu!
Sai lầm của người Việt là chỉ dùng một loại bia lager lên men và thường uống kèm với đá lạnh.
Trong chuyến về thăm Việt Nam vừa qua, ngày nào tôi cũng uống bia. Hàng quán nào cũng giới thiệu bia của nhiều thương hiệu khác nhau nhưng đặc điểm chung rằng chúng đều là bia lager. Lager cũng là loại bia phổ biến nhất thế giới.
Thật ra có một số loại bia khác nhau: Lager, ale, forter, stout và malt. Thứ tự trên cũng phản ánh màu của bia, đi từ màu vàng nhạt (màu của tóc vàng) tới màu đen. Lager có màu vàng nhạt, mặc dù nó có thể có màu đậm hơn, ale thì màu từ vàng đậm tới nâu đỏ, các loại còn lại thì màu đen. Lager thì bao trùm cả pilsner, còn ale thì có rất nhiều loại trong đó, các loại có tiếng tăm là saison có màu nhạt (pale ale), India pale ale (có nhiều hoa bia), red ale (màu đỏ). Forter thì cũng là một loại ale nhưng đậm màu hơn hẳn và cũng có vị hơi ngọt. Stout thì có vị ít ngọt và hơi giống cà phê. Malt thì cũng hơi giống như nước ngọt, có độ cồn thấp, khoảng ít hơn 2.5% và người uống bia ít ai lại đi uống malt.
Lager thường được lên men bởi một loại men bia gọi là "bottom fermented". Khi hỗn hợp lúa mạch hay mạch nha đã được ngâm nước thì men bia sẽ được đưa vào. Trong quá trình lên men, loại men này sẽ nằm ở dưới đáy thùng. Các loại bia còn lại đều là "top fermented", tức là các loại men này đều nổi trên mặt nước. Sau khi nấu xong thì lager thường được cất rất lâu, khoảng vài tháng trước khi uống. Quá trình này được thực hiện ở nhiệt độ thấp. Sau đó lager sẽ được thêm rất nhiều carbon dioxide - tức là thứ mang tới cảm giác tê đầu lưỡi và tạo ra bọt. Vì vậy lager thường có cảm giác "kết thúc mượt mà"(smooth finish).
Ale thì được ủ ở nhiệt độ phòng và có thêm nhiều hương vị. Hoa bia thường được dùng trong ale nhiều hơn và vì vậy ale hơi đắng hơn. Tuy vậy ale là "đất diễn" của các loại hương vị khác nhau, bởi vì ale có chỗ cho các loại hương vị khác. Nhiệt độ phòng khiến cho các hương vị sẽ dễ tồn tại, còn khi bạn đem đông lạnh hết cả món bia trong quá trình chế biến thì các loại hương vị khác sẽ ra đi. Ale rất phổ biến ở Mỹ và được xem là có cá tính mạnh hơn. Người Mỹ rất thích bia tươi và nhiều thành phố giờ có các nhà máy bia thủ công rất nổi tiếng. Người địa phương thường hay uống các loại bia thủ công nơi họ sống, nếu có. Bia thủ công nhiều hương vị, được ủ theo từng mẻ và không bị ảnh hưởng bởi quá trình bảo quản của các công ty bia lớn.
Người Việt Nam tiêu thụ bia nhiều nhưng khẩu vị đơn điệu, tới nỗi bia foster phải bỏ chạy mà không hiểu nguyên nhân từ đâu. Các loại bia không phải lager thì ít và hiếm. Điều này quả thực là rất đáng tiếc vì bia là một loại thức uống mang tới nhiều hương vị. Khi mà người ta chỉ đăm đăm vào một loại bia thì những hương sắc khác lại bị bỏ quên, không ai thưởng thức.
Còn một điều nữa là người Việt Nam ít uống bia tươi. Có lẽ do thị trường Việt Nam không có nhiều người làm bia thủ công. Bia tươi thường chưa bỏ men đi nên phải uống nhanh kẻo vị bia lại thay đổi. Có loại còn để nguyên chưa lược qua (unfiltered) và kết quả là mạch nha và lúa mạch còn sót lại, đem tới hương vị khác hẳn.
Bia có nhiều hương vị khác nhau. Ngoài các thành phần mà ai cũng biết như lúa mạch hay mạch nha, nước, men, và hoa bia thì nhiều loại bia còn dùng đủ thứ hương vị khác, như là trái cây hay vị của các hoa. Kết quả là một rừng bia đủ hương vị khác nhau, đầy những điều mới lạ để khám phá.
Điều đáng trách nhất với người uống bia Việt Nam là thói quen uống bia với đá. Bia thì cần phải lạnh mới ngon, nhưng mà pha đá thì hương vị bia có còn gì nữa đâu. Phải tốn bao nhiêu công sức và quá trình cực khổ mới đạt được hương vị mà bây giờ lại quẳng mấy cục nước đá vào thì còn gì. Cũng như bạn ra quán phở gọi một tô, tới lúc người bán đem ra thì bạn đổ cả ly nước lạnh vào cho phở bớt nóng mới ăn, thì còn gì là phở!
Vì vậy trong chuyến đi vừa qua, khi nào có bia ướp lạnh thì tôi uống, không thì tôi uống ngay món bia trong chai, không nước đá gì cả. Uống bia là để thưởng thức, chứ còn cho nước đá vào thì chỉ là uống để say mà thôi.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.