Góc nhìn

Thứ 7 ngày 08 tháng 02 năm 2020Lượt xem: 23260

Cuộc chiến thầm lặng | Covid-19.


13/02/2020. Các bác sĩ tuyến đầu chống virus corona ở Vũ Hán quá tải trước số bệnh nhân ngày càng lớn và nguy cơ nhiễm bệnh cao do thiếu thiết bị bảo hộ.

 

Các y bác sĩ này phải điều trị cho hàng nghìn trường hợp nhiễm mới virus corona mỗi tuần ở Vũ Hán, thành phố tâm điểm của dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 12 năm ngoái. Nhiều bác sĩ phải tiếp đón bệnh nhân mà không có đủ khẩu trang chuyên dụng hoặc đồ bảo hộ, khiến họ phải tái sử dụng những dụng cụ lẽ ra phải thay thường xuyên này.

 

Phó thị trưởng Vũ Hán tuần trước cho biết thành phố có nguy cơ thiếu 56.000 khẩu trang N95 và 41.000 bộ đồ bảo hộ mỗi ngày. Đội ngũ y tế mặc đồ bảo hộ "sẽ đóng bỉm, giảm uống nước và giảm số lần đi vệ sinh", Jiao Yahui, một quan chức hàng đầu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết. Nhiều người trong số họ phải mặc một bộ đồ trong 6-9 tiếng, dù thực tế họ không nên mặc đồ bảo hộ quá 4 giờ khi ở trong khu cách ly. "Tất nhiên chúng tôi không ủng hộ phương pháp này, nhưng đội ngũ y tế thực sự không còn cách nào khác", bà Jiao thừa nhận.

 

Chính phủ Trung Quốc đã huy động cả nước tăng cường sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ. Hôm 10/2, 3/4 các nhà máy sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trung Quốc cũng đã nhập hơn 300 triệu khẩu trang và khoảng 3,9 triệu bộ đồ bảo hộ từ ngày 24/1. "Dù chúng tôi nhận thêm khẩu trang, số bệnh nhân thậm chí còn tăng nhanh hơn", một bác sĩ giấu tên tại một bệnh viện lớn ở Vũ Hán cho biết. Theo cô, mỗi bác sĩ hoặc y tá sử dụng 2-4 khẩu trang mỗi ngày. "Nhu cầu sử dụng khẩu trang trong bệnh viện là rất lớn. Họ thường xuyên thiếu khẩu trang".

 

 

Bác sĩ cũng buộc phải mặc những bộ đồ bảo hộ tạm thời, không đủ hiệu quả trong việc chống lại virus, Xu Yuan, 34 tuổi, một người Trung Quốc sống tại Mỹ cho hay. Xu đã tặng các thiết bị bảo hộ trị giá 5.000 USD cho bạn học cũ đang làm việc tại các bệnh viện ở Vũ Hán. "Ngay khi cậu ấy mặc, bộ đồ bị nứt vì nó quá nhỏ", cô nói, nhắc đến một người bạn ở Vũ Hán phải mặc một bộ đồ bảo hộ suốt 5 ngày. "Cậu ấy khử trùng bộ đồ sau khi sử dụng mỗi ngày. Cậu ấy biết điều đó có thể vô dụng, nhưng vẫn tốt hơn là không có gì".

 

Khoảng 44% trong số 42.600 ca nhiễm bệnh và phần lớn trong số 1.113 ca tử vong tại Trung Quốc đại lục là ở Vũ Hán, nơi khởi phát của dịch. Theo nhiều nguồn tin y tế địa phương, ít nhất 500 y bác sĩ tại các bệnh viện ở Vũ Hán đã nhiễm virus corona chủng mới tính đến giữa tháng một. Chính phủ Trung Quốc thường thông báo các trường hợp nhân viên y tế mắc bệnh Covid-19 riêng lẻ, nhưng chưa từng đưa ra con số thống kê tổng thể. Nguồn tin cho hay các bác sĩ, y tá tại Vũ Hán được yêu cầu không công bố những thông tin này.

 

Các rủi ro mà nhân viên y tế Vũ Hán đang phải đối mặt càng thu hút sự chú ý sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng hôm 8/2 do nhiễm virus corona. Bác sĩ nhãn khoa này qua đời hơn một tháng sau khi anh và 8 người khác cố cảnh báo về sự xuất hiện của một loại virus mới giống virus từng gây đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2002-2003. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ ở Vũ Hán còn phải chịu thêm thách thức lớn khác, bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Vũ Hán, người có đồng nghiệp đang điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona mới, cho hay. "Họ đã kiệt sức," cô nói. Một trong những đồng nghiệp của cô làm việc tại một phòng khám tiếp nhận 400 bệnh nhân chỉ trong vòng 8 giờ. Nhiều bệnh nhân trong số đó "chết rất nhanh hoặc không thể cứu được". "Họ chịu rất nhiều áp lực", bác sĩ nói, thêm rằng bệnh viện nơi cô làm việc đã kiểm tra tâm lý cho các bác sĩ.

 

"Nhiều người dân Vũ Hán cũng rất lo lắng", một bác sĩ tại phòng khám cộng đồng ở thành phố cho biết. Ông và các đồng nghiệp nhận được cuộc gọi từ những người dân đang đau khổ, nhiều người không dám rời khỏi nhà vì lo sợ. "Bạn có thể nghe thấy tiếng kêu cứu của họ, nhưng tay bạn bị trói", bác sĩ nói, đề cập các gia đình có bệnh nhân bị mắc kẹt tại nhà mà không được điều trị y tế. "Chúng tôi không thể làm được gì". Bác sĩ này cho biết ông và ít nhất 16 đồng nghiệp đang có triệu chứng tương tự nhiễm virus corona, như nhiễm trùng phổi và ho. "Là bác sĩ, chúng tôi không muốn làm việc khi đã trở thành nguồn lây nhiễm", ông nói. "Nhưng ngay bây giờ, không ai có thể thay thế chúng tôi". Ông nói thêm rằng tất cả nhân viên y tế không bị sốt vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu. "Điều gì sẽ xảy ra nếu không còn ai làm việc ở tuyến đầu".

 

 


08/02/2020. Tối 6/2, truyền thông đưa tin bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời rồi đột ngột cải chính anh còn sống, nhưng rạng sáng hôm sau xác nhận cái chết.

 

Vào khoảng 22h ngày 6/2 (giờ địa phương), tin đồn bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng qua đời vì bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc. Thông tin này ngay lập tức khiến cộng đồng phẫn nộ và tỏ lòng thương tiếc, bởi bác sĩ Lý được coi là "người hùng" vì giúp cảnh báo sớm về chủng virus nguy hiểm.

 

 

Tới 22h40, tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xác nhận trên Twitter rằng Lý đã qua đời. People's Daily ngay sau đó cũng đưa tin tương tự, gọi cái chết của bác sĩ 34 tuổi là "nỗi đau quốc gia".

 

Khoảng 23h30, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ "đau buồn sâu sắc" về sự việc trên Twitter, nhưng nhanh chóng xóa bài đăng. Trong một tuyên bố sau đó, WHO cho biết họ không có thông tin về tình trạng của Lý và chỉ đang trả lời câu hỏi tại một cuộc họp báo.

 

Bước ngoặt xảy ra vào 0h38 sáng 7/2, khi Bệnh viện Trung ương Vũ Hán thông báo Lý còn sống, nhưng trong tình trạng nguy kịch và các bác sĩ đang cố hết sức cứu chữa. Cũng trong khoảng thời gian này, các bài đăng về cái chết của Lý trên Global Times và People's Daily bị xóa.

 

Global Times lúc 0h57 đăng tweet cho biết Lý "vẫn đang được điều trị khẩn cấp, các phóng viên nghe thấy tiếng khóc trong phòng chăm sóc đặc biệt", nói thêm rằng bác sĩ này đã ngừng tim vào khoảng 21h30 tối hôm trước. Trên mạng xã hội, nhiều người cầu nguyện và hy vọng phép màu sẽ xuất hiện.

 

Tuy nhiên, động thái này được cho là chỉ nhằm xoa dịu sự giận dữ của công chúng. "Tình trạng của anh ấy rất nguy kịch và tim ngừng đập, nhưng sau đó anh ấy được đặt nội khí quản và thở oxy ngoại bào chỉ vì áp lực từ các quan chức", một nguồn tin giấu tên tại bệnh viện tiết lộ. Thông tin này sau đó được chứng minh qua nhiều bài đăng trên mạng xã hội, bao gồm ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện giữa các bác sĩ, cho biết bệnh viện cố gắng hồi sức cho Lý để tránh sự tức giận của người dân. Tuy nhiên, làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc không dừng lại mà tiếp tục dâng cao vào tầm 2h, khi cụm từ "Chúng tôi muốn tự do ngôn luận" trở thành xu hướng trên Weibo, nhưng sau đó bị kiểm duyệt. Những người dùng mạng xã hội này ngay lập tức tạo những hashtag khác, bao gồm "Tôi muốn tự do ngôn luận" và nhanh chóng thu hút gần 2 triệu lượt xem.

 

Tới 3h48, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán thông báo trên Weibo rằng bác sĩ Lý qua đời vào lúc 2h58 bất chấp những nỗ lực cứu chữa. "Chúng tôi bày tỏ sự hối tiếc và chia buồn sâu sắc", bài viết có đoạn. Global Times và People's Daily đăng thông tin này vào khoảng 4h.

 

Loạt thông tin mâu thuẫn về tình trạng sức khỏe của bác sĩ Lý dường như càng "khoét sâu" nỗi đau của công chúng. Bên dưới bài đăng của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán về sự ra đi của anh, những bình luận hàng đầu đều thể hiện sự tức giận trong khâu xử lý tin tức. "Các người nghĩ rằng chúng tôi đều đã đi ngủ sao? Không, chúng tôi vẫn thức", một bình luận cho hay.

 

Dịch viêm phổi cấp khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, được chính quyền thông báo lần đầu vào ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết ca bệnh đầu tiên xuất hiện từ đầu tháng 12 năm ngoái. Giới chuyên gia cũng nhận định nCoV có thể đã lây nhiễm trong cộng đồng vài tuần trước khi giới chức công bố dịch. Tới thời điểm Trung Quốc tích cực hành động từ ngày 20/1, nCoV đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng.

 

Ngày 30/12/2019, bác sĩ Lý gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện trên WeChat gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), dịch khởi phát ở Trung Quốc năm 2002 khiến khoảng 800 người thiệt mạng trên toàn thế giới.

 

Ngay đêm hôm đó, giới chức Vũ Hán đã triệu tập Lý sau khi phát hiện tin nhắn. Anh bị mời đến đồn cảnh sát thành phố vào ngày 3/1 và buộc phải ký biên bản với nội dung "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội". Lý sau đó quay lại làm việc tại bệnh viện, nhưng nhiễm nCoV sau khi khám cho một bệnh nhân mắc bệnh mà không mặc đồ bảo hộ. Bố mẹ và người vợ đang mang thai của anh cũng bị lây bệnh.

 

"Là một nhà báo, tôi tránh viết thời điểm bác sĩ Lý qua đời là sáng sớm 7/2", Muyi Xiao, biên tập viên tạp chí trực tuyến ChinaFile, viết trên Twitter. "Điều quan trọng là chúng ta phải xác định thời điểm qua đời chính xác của anh ấy, để ngày mất không bị ấn định bởi chính quyền. Ít nhất anh ấy xứng đáng với điều đó".

"Ngày mai sau khi thức dậy, tôi cầu xin mọi người đừng quên những gì đã xảy ra đêm qua, vì tương lai của chính mình", một tài khoản Weibo viết.

 


Mời xem thêm ==>

 

1. Bản tin cập nhật tình hình Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV - Phần 1.

 

2. Bản tin cập nhật tình hình Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV - Phần 2.

 

3. Bản tin cập nhật tình hình Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV - Phần 3.

 

4. Bản tin cập nhật tình hình Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV - Phần 4.

 

5. Bản tin cập nhật tình hình Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 | Phần 5.