Góc nhìn

Thứ 3 ngày 12 tháng 09 năm 2023Lượt xem: 8618

Cứu người đột quỵ ...

...

" Cuối tháng 7, tôi nhận được cuộc gọi của má: “Dì Ba đột quỵ, đang rất nguy cấp”. Má bảo tôi “lo về đi…”.

Má và dì Ba là chị em ruột, thường xuyên gặp nhau để nói chuyện xưa, chuyện nay, nhất là khi cả hai đang bước vào tuổi xưa nay hiếm, ngấp nghé 70. Má sẽ rất sốc nếu tin dữ của dì ập tới.

Tôi tất tả về quê. Sau một ngày nằm tại bệnh viện tuyến tỉnh ở Quảng Nam, dì được chuyển ra Đà Nẵng. Bệnh viện đa khoa lớn nhất khu vực miền Trung đề nghị mổ gấp, nếu không sẽ không thể giữ lại tính mạng. Ngay cả mổ, thì biến chứng trong khi thực hiện thủ thuật cũng có thể cướp đi dì tôi. Nói chung là không chắc chắn điều gì. Má tôi không giữ nổi bình tĩnh, bà ngồi thụp xuống ghế rồi òa khóc: "Dì mới khỏe đó mà giờ vậy. Hồi xưa bà ngoại khổ hơn mà còn sống tới 70...".

Tôi và má khi đó chỉ biết cầu nguyện theo niềm tin của gia đình. Hồi hộp chờ gần bốn tiếng, cuối cùng ca mổ của dì cũng kết thúc - bác sĩ lấy được máu tụ trong não ra - nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao. "Trong 48-72 giờ tới mà bệnh nhân không tỉnh thì là nặng đó", bác sĩ lưu ý.

Đến nay hơn một tháng, dì vẫn nằm viện, chuyển từ Đà Nẵng về lại Quảng Nam để tiện thăm nom. Và, bệnh viện ở Đà Nẵng cần chỗ cho nhiều ca nặng hơn. Giữ được mạng sống nhưng dì tôi chưa tỉnh hẳn, có mở mắt nhưng cảm giác ở bàn tay, chân gần như không có. Khi người thân nói chuyện, dì có thể hiện cảm xúc - chảy nước mắt khi nghe đến chuyện gì đó quen thuộc. Tuy nhiên, khả năng hồi phục, theo chẩn đoán của bác sĩ, là khó và chậm.

Trong những ngày lưu lại, tôi nhiều lần vào thăm dì. Ngồi ở hành lang, nhìn Khoa đột quỵ ở tầng ba bệnh viện lúc nào cũng đông bệnh nhân, tôi ám ảnh. Đây là một trong những khoa mới, trước đây không có khoa chuyên biệt cho đột quỵ. Cung nảy sinh từ cầu, đột quỵ đã được mở khoa điều trị ở nhiều bệnh viện tại các địa phương, nhất là các bệnh viện lớn.

Tại "Hội thảo chuyên đề quản lý chất lượng đột quỵ Việt Nam 2023" do Hội Đột quỵ TP HCM tổ chức ngày 18/8, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội cho biết, việc điều trị đột quỵ tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa đủ bao phủ lượng bệnh nhân ngày một tăng. Quá trình cấp cứu trước viện còn nhiều hạn chế, người dân chưa nhận biết triệu chứng đột quỵ, còn tin vào các phương pháp dân gian, trì hoãn thời gian vàng điều trị.

Quả thực như vậy. Dì Ba của tôi, trước đó đau đầu, nôn cả tuần nhưng cứ nghĩ do "rối loạn tiền đình". Nhiều người xung quanh còn cho đây là chứng đau đầu kinh niên, ráng chịu vài bữa thì sẽ hết. Không chỉ ở quê tôi mà nhiều địa phương khác, các "bác sĩ" online, thầy lang truyền miệng đã dần tạo ra niềm tin rằng, khi người nhà bị đột quỵ thì không nên di chuyển, chỉ cần dùng kim chích đầu ngón tay, vành tai rồi nặn máu ra. Thêm vào đó, có quá nhiều "thuốc ngừa đột quỵ" thiếu kiểm định vẫn được quảng cáo, bày bán công khai trên mạng khiến người dân nhầm tưởng, dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng, tiền mất tật mang.

Thống kê từ hội thảo trên cho hay, năm 2019 có 63% cơn đột quỵ xảy ra với những người trẻ; 89% số ca tử vong và tàn tật liên quan đến đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình - thấp, Việt Nam là một trong số đó. Tử vong do nguyên nhân tim mạch vẫn đứng thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, nguyên nhân đột quỵ đứng đầu, cao hơn tim mạch, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, song số nơi điều trị còn quá ít. Theo Hội Đột quỵ TP HCM, trung bình, một cơ sở đột quỵ tại Việt Nam điều trị trên 2.000 bệnh nhân mỗi năm, trong khi tại Mỹ chỉ 300 bệnh nhân. Điều kiện lý tưởng là khoảng 500 bệnh nhân.

Vấn đề ở đây là cần có thêm bệnh viện, chuyên khoa đột quỵ. Các tuyến liên kết điều trị cần được xác lập, như bệnh viện tỉnh nhỏ với bệnh viện chuyên khoa ở thành phố lớn. Đội ngũ bác sĩ ở tuyến dưới cần được bồi dưỡng chuyên sâu trong điều trị, nhất là khi bệnh nhân đã được cấp cứu, sau đó về chăm sóc ở địa phương.

Người dân cũng cần được nâng cao kỹ năng nhận diện bệnh tật để điều chỉnh trong ăn uống, sinh hoạt, lối sống. Tập ăn uống lành mạnh và có lối sống nhẹ nhàng, giảm căng thẳng, lo âu... cũng là cách giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ, trầm cảm.

Biến cố sức khỏe xảy ra với dì Ba cũng khiến tôi nhận thấy nhu cầu được phổ cập kiến thức, kỹ năng chăm sóc người nhà khi có thân nhân đột quỵ. Trong đó, quan trọng nhất là phổ biến thông điệp "giờ vàng" để chủ động trong cứu chữa người thân, bớt nguy cơ tử vong, tàn tật... "

Trích bài viết trên VnExpress


Khi bạn cần đừng ngần ngại. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi  1900 86 86 16

 


ktk@vn


>>> Mời xem

1. Khi nghi ngờ bị bệnh Tai biến mạch máu não, bạn cần làm gì?

2. Dấu hiệu báo động Tai biến mạch máu não - BeFast.

3. Khung giờ vàng trong điều trị Nhồi máu não.

4. Bệnh nhân NHỒI MÁU NÃO được điều trị thuốc Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch thành công.

5. Kỹ thuật can thiệp nội mạch trong nhồi máu não cấp tính.

6. Cải thiện chức năng vận động và chất lượng cuộc sống trong điều trị NHỒI MÁU NÃO bằng thuốc tiêu sợi huyết.

7. Điều trị Co cứng cơ sau Đột quỵ não.

8. Điều trị ĐAU do co cứng cơ sau Đột quỵ não

9. Xử trí bệnh nhân tai biến mạch máu não, ý kiến chuyên gia.

10. Tai biến mạch máu não điều trị ở đâu?

khamthankinh.vn