Thứ 3 ngày 07 tháng 07 năm 2020Lượt xem: 46889
# CẬP NHẬT: An Cung Ngưu Hoàng hoàn chữa bệnh gì?
Sự thật về "thần dược" An Cung Ngưu Hoàng hoàn?
Tiếp tục cập nhật ...
Ngày 01/7/2020 ...
Người đàn ông ở Hà Nội hôn mê vì uống an cung chữa đột quỵ...
Sau 4 ngày uống an cung ngưu hoàng hoàn, nam bệnh nhân được chuyển vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê.
BS Đặng Văn Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, khoa đang điều trị cho nam bệnh nhân bị biến chứng nặng do dùng an cung ngưu hoàng hoàn. Bệnh nhân là Lê Văn L., 74 tuổi, được chuyển vào cấp cứu ngày 22/6 trong tình trạng hôn mê sâu. Gia đình cho biết, trước đó 2 tuần, bệnh nhân bị ngã, sau đó choáng váng, chóng mặt. Vì nghĩ ông L. bị đột quỵ nên gia đình cho uống an cung ngưu hoàng hoàn xách tay để điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của ông không đỡ mà ngày càng nặng lên, đến ngày thứ 4 chuyển hôn mê. Khi vào viện, kết quả chụp cắt lớp phát hiện bệnh nhân chảy máu dưới màng cứng.
Theo BS Khiêm, chảy máu ở vị trí này thường là do chấn thương. Tuy nhiên do gia đình không biết, cho uống an cung nên gây chảy máu nặng nề hơn, dẫn tới hôn mê. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định lấy máu tụ, hiện sức khoẻ đã ổn định.
Trong viên an cung ngưu hoàng hoàn có rất nhiều thành phần, bao gồm cả thành phần gây độc như asen, thạch tín. Nếu người dân sử dụng không đúng mục đích sẽ gây nguy hiểm khôn lường. Trong thực tế, bệnh viện đã gặp không ít trường hợp bị tai biến nặng lên do uống an cung làm tăng nguy cơ chảy máu. BS Khiêm cũng nhấn mạnh, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh an cung ngưu hoàng hoàn có tác dụng thực sự trong dự phòng hay điều trị đột quỵ dù theo quảng cáo, thuốc có thành phần làm tan các cục máu đông, có thể uống sau khi chụp cộng hưởng từ không phát hiện xuất huyết não. “Do hãng thuốc quảng cáo quá lên, người dân lại truyền tai nhau nhiều nên hiểu lầm tác dụng vượt quá khả năng thực tế. Tôi biết rất nhiều người cao tuổi coi loại thuốc này như cứu cánh, phương thuốc thần để phòng và chữa bệnh tai biến mạch máu não”, BS Khiêm chia sẻ.
BS Khiêm cho hay, trong đột quỵ có 2 thể chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Để xác định được chính xác được 2 thể này, bác sĩ cần có máy móc, phương tiện để chẩn đoán. Trong khi đó, người dân thấy người nhà bị yếu, liệt, hôn mê là cho uống an cung, nếu rơi vào thể xuất huyết não sẽ gây rối loạn đông máu khiến xuất huyết nặng nề thêm, nguy cơ tử vong càng lớn. “Trường hợp nếu cố giữ bệnh nhân ở nhà thêm nhiều tiếng, cơ hội cứu sống bệnh nhân và cơ hội phục hồi không còn”, BS Khiêm nhấn mạnh.
Theo BS Khiêm, bất kỳ thuốc nào đưa vào cơ thể đều cần có sự kiểm soát của bác sĩ, không có thuốc nào là thần dược chữa được tất cả các bệnh hay là cứu tinh làm tỉnh người hôn mê hay chữa khỏi người bị liệt. Do đó, người dân cần lắng nghe ý kiến của người có chuyên môn.
Hiện nay rất nhiều cơ sở y tế đã có thể cấp cứu tốt đột quỵ, tắc mạch máu não có thể can thiệp lấy huyết khối, dùng thuốc tiêu sợi huyết. Nếu được cấp cứu trong vòng 6 giờ đầu, tỉ lệ bệnh nhân hồi phục rất cao, song đáng tiếc, có rất ít trường hợp đột quỵ ở nước ta được đưa đến viện trong khung giờ vàng.
Thống kê cho thấy, hầu hết các trường hợp gặp tai biến nặng ở nước ta là những bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não. Là người từng trực tiếp sang Trung Quốc tìm hiểu, GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, tại quốc gia này, người dân không dùng an cung ngưu hoàng hoàn để ngừa đột quỵ, chưa kể trong thuốc có thạch tín, thủy ngân, bệnh nhân không nên dùng. Trong các tài liệu đông y của Trung Quốc, an cung ngưu hoàng hoàn cũng chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị sốt cao, co giật, khu đờm, các triệu chứng của nhiệt nhập tâm bào, nói sảng, lưỡi đỏ, trẻ em sốt cao, co giật.
Ngày 03/1/2019 ...
Cảnh báo từ bệnh viện Bạch Mai: Nhà có người đột quỵ tuyệt đối không tự dùng thuốc, kể cả An cung.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai thời tiết miền Bắc chuyển lạnh sâu khiến cho số bệnh nhân đột quỵ tăng. Nhiều bệnh nhân không được sơ cứu đúng cách đã gặp biến chứng nặng.
Không được tự cho bệnh nhân đột quỵ uống thuốc
Đột quỵ là hiện tượng bệnh nhân đột ngột, xảy ra các dấu hiệu rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, mất thị lực, liệt nửa cơ thể 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn và các biểu hiện chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.
Phó trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) TS. Nguyễn Văn Chi khuyến cáo khi người thân gặp đột quỵ tuyệt đối không cho bệnh nhân dùng bất cứ loại thuốc nào, ngay cả An Cung. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh. Bởi lẽ, khi bệnh nhân bị đột quỵ thường rơi vào trạng thái rối loạn nuốt. Việc uống nước còn khó đối với bệnh nhân chứ chưa kể đến việc nuốt viên thuốc, có thể gây sặc và viên thuốc sẽ trở thành dị vật đường thở cho người bệnh. "Người có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho họ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ", TS. Chi lưu ý.
3 dấu hiệu nhận diện đột quỵ
Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội.
Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo.
Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.
Sơ cứu đúng cách
PGS.TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu, Bạch Mai lưu ý nếu gặp vấn đề đột quỵ việc đầu tiên người nhà cần làm là Gọi 115. Trong khi đợi xe cấp cứu người nhà để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể (để nếu bệnh nhân bị nôn đờm dãi, thức ăn sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi người bệnh). Mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp. Nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực và gọi trợ giúp của người xung quanh. Bệnh nhân bị đột quỵ thường ảnh hưởng nhiều tới hô hấp. Do đó việc tiếp theo, người nhà phải dùng chiếc khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh ra ngoài. Nếu người bệnh bị co giật, người nhà phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng bệnh nhân. Việc quấn vải quanh đũa để người bệnh khỏi bị cắn vào lưỡi.
Bác sĩ Tôn khuyến cáo: "Biện pháp lấy máu ở đầu ngón tay, sau tai đều không có tác dụng trong sơ cứu đột quỵ".
Thời điểm giao mùa, thời tiết đột ngột chuyển nóng hoặc chuyển lạnh chính là lúc người bệnh dễ mắc đột quỵ, đặc biệt đối với các bệnh nhân có các bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch thì nguy cơ đột quỵ sẽ cao hơn.
Ngày 26/12/2018 ...
Tại Trung Quốc - “quê hương” của an cung cũng không dùng loại thuốc này để ngừa đột quỵ, chưa kể trong thuốc có thạch tín, thủy ngân, bệnh nhân không nên dùng.
An cung không có tác dụng phòng đột quỵ
Sản phẩm an cung ngưu hoàng hoàng xuất hiện trên thị trường Việt Nam khoảng 10 năm nay, nhưng chỉ thực sự được nhiều người biết đến, tin dùng vì cho rằng có khả năng ngừa đột quỵ trong khoảng 6 - 7 năm trở lại đây. Nắm bắt được tâm lý người dùng, hiện có rất nhiều sản phẩm an cung từ 300 nghìn đồng/viên đến vài triệu đồng mỗi viên với nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên...
Tuy nhiên GS. TS. Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, ông đã từng trực tiếp sang Trung Quốc từ 10 năm trước, đến các bệnh viện cũng như cơ sở Đồng Nhân Đường nhưng tuyệt nhiên không thấy nơi nào sử dụng an cung ngưu hoàng hoàn để phòng đột quỵ.
GS. TS. Nguyễn Văn Thông khẳng định: an cung ngưu hoàng hoàn không có tác dụng dự phòng đột quỵ (Ảnh do Vietnamnet.vn cung cấp).
GS. Thông chia sẻ, trực tiếp đến “quê hương” của an cung ngưu hoàng hoàn mới thấy đây là sản phẩm siêu lợi nhuận, các viên thuốc chỉ có giá 100 - 150 tệ (350 - 500 nghìn đồng) nhưng về Việt Nam bán đội giá lên tới 1 - 2,5 triệu đồng.
“Thành phần sừng tê giác trong an cung không có tác dụng ngừa đột quỵ. Trong viên thuốc cũng chứa thạch tín, thủy ngân, vì vậy bệnh nhân không nên dùng, đặc biệt chống chỉ định với những bệnh nhân đột quỵ chảy máu não”, GS Thông nhấn mạnh.
GS. Thông cũng khuyên người tiêu dùng nên tỉnh táo trước lời quảng cáo thổi phồng về tác dụng ngừa đột quỵ. “Thuốc bất kỳ nào khi vào cơ thể, tác dụng dược lý cũng chỉ có trong vài giờ, sau đó được bài tiết, làm sao có tác dụng dự phòng thời gian dài được. Nếu muốn thuốc tồn tại trong vòng 7 ngày thì cần phải được chế tạo bằng công nghệ cao hoặc viên thuốc phải được bao bọc bằng chất liệu đặc biệt để có thể giữ lại trong dạ dày”, GS. Thông chia sẻ. Trong quá trình điều trị, GS. Thông cho biết ông đã gặp rất nhiều bệnh nhân đột quỵ nôn dịch màu xanh, là đặc trưng của người bệnh dùng an cung, tuy nhiên khi hỏi, gia đình nào cũng chối.
BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, đột quỵ (tai biến mạch máu não) gồm thể chảy máu não (xuất huyết não), nhồi máu não (thiếu máu não, chiếm 85%). Theo đó, an cung ngưu hoàng hoàn chỉ có tác dụng nhỏ với các trường hợp bị tai biến thiếu máu não, khi đó có thể giúp giảm đông máu, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có nguy cơ chảy máu trong vùng nhồi máu. Ngược lại, nếu bị xuất huyết não, uống an ngưu hoàng hoàn càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu do máu không thể đông lại. Trong khi đó, để xác định tai biến thiếu máu não hay xuất huyết não, các bác sĩ phải chụp chiếu, xét nghiệm. Do đó người dân không nên tuỳ tiện dùng thuốc.
Trong các tài liệu đông y của Trung Quốc, an cung ngưu hoàng hoàn cũng chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc trị sốt cao, co giật, khu đờm, các triệu chứng của nhiệt nhập tâm bào, nói sảng, lưỡi đỏ, trẻ em sốt cao, co giật.
Ngày 05/4/2018 ...
Theo tờ thời báo Bắc Kinh Buổi sáng (Beijing Morning Post) dẫn ý kiến của các chuyên gia khẳng định, thuốc Đông y An cung ngưu hoàng hoàn, loại thuốc được người Việt rất tin dùng, vốn không hề có tác dụng phòng ngừa đột quỵ.
Khi trời lạnh, cũng là thời điểm "vào mùa" của bệnh về mạch máu não với tỉ lệ phát bệnh cao. Vì vậy, sẽ có nhiều người hỏi rằng, liệu có nên "tích trữ" mấy viên thuốc An cung ngưu hoàng hoàn trong nhà, uống 1 viên để phòng ngừa đột quỵ hay không?
Mặc dù An cung ngưu hoàng hoàn là một vị thuốc được người xưa gọi là "Trấn điếm chi bảo" (thuốc quý trong hiệu thuốc), có thể điều trị hôn mê do các nguyên nhân khác nhau gây ra, bao gồm đột quỵ (trung phong) và là thuốc cấp cứu của Đông y trong quá khứ. Nhưng, ngày xưa An cung ngưu hoàng hoàn điều trị hôn mê với điều kiện là bệnh có triệu chứng cụ thể, phải là do tính nhiệt (nóng quá gây ra hôn mê), nếu không thì hoàn toàn không có tác dụng. Nếu dùng để làm thuốc phòng ngừa đột quỵ, thì lại hầu như không có chút tác dụng nào.
Trường hợp có thể sử dụng thuốc
An cung ngưu hoàng bản chất là loại thuốc chứa các thành phần Đông y thuộc tính lạnh, vì thế chỉ có thể dùng để điều trị các chứng bệnh liên quan đến hôn mê do nhiệt, sốt cao?
Khái niệm hôn mê do nhiệt ở đây được hiểu là khi hôn mê, hơi thở, tiếng nói hoặc tiếng ngáy của người bệnh đều có cảm giác nặng nề, thô ráp, sắc mặt chuyển sang màu đỏ, nhiệt độ cơ thể tăng cao, hoặc ít nhất là thân nhiệt không bị hạ thấp, lưỡi chuyển màu đỏ, người bồn chồn bất an, toàn bộ cơ thể thuộc về diện nóng sốt, sinh nhiệt. Chỉ cần xuất hiện triệu chứng hôn mê này xảy ra, cho dù đó là do mạch máu có vấn đề hay chấn thương bên ngoài hoặc thậm chí sốt cao gây hôn mê thì đều có thể thử uống An cung ngưu hoàng hoàn. Khi người bệnh không thể tự uống thuốc thì có thể pha vào nước rồi uống thông bằng đường mũi đều có thể có tác dụng. Nhiều người uống thuốc này thì khoảng 1 ngày sau là có thể dần dần tỉnh lại.
Trường hợp không nên sử dụng thuốc
Nhưng đột quỵ không phải lúc nào cũng thuộc tính nhiệt (do nóng gây ra), có người sau khi bị đột quỵ không có bất kỳ một triệu chứng có tính nhiệt nào, sắc mặt vẫn nhạt, chân tay mát mẻ, thân nhiệt vẫn thấp, trong tình huống này, uống An cung sẽ không có tác dụng gì.
Thông thường, đột quỵ xảy ra đều có sự liên quan đến huyết áp, xơ vữa động mạch. Để phòng ngừa, tốt nhất là cần hạ huyết áp, làm mềm dịu mạch máu. Trong trường hợp này, An cung ngưu hoàng hoàn không có tác dụng rõ ràng, nếu uống An cung để hạ huyết áp thì lại hơi quá mức (được ví von là ra tay quá đà).
Nếu như chắc chắn bị cao huyết áp do tăng nhiệt, thì chỉ cần dùng Ngưu hoàng hạ áp hoàn hoặc Ngưu hoàng thanh tâm hoàn (tên 2 loại thuốc khác) là đủ, bao gồm cả thuốc tây y giúp làm hạ huyết áp. Chỉ cần đảm bảo rằng huyết áp không tăng cao, thì có thể tránh được đột quỵ phát sinh, còn hơn là đối phó bằng việc dùng An cung ngưu hoàng hoàn.
Lưu ý: Trong tất cả các trường hợp, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Health/bjcb.morningpost, cafeF
Ngày 14/2/2018 ...
Ngày 30/8/2014, Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho VnExpress biết, bệnh nhân hơn 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê do xuất huyết não. Sau hai tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh lại, có hy vọng cứu tốt. Thế nhưng ngay hôm sau ông Tảo lại rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Các bác sĩ không hiểu tại sao bởi sức khỏe bệnh nhân đang tiến triển tốt, thì người nhà bệnh nhân cho biết đã cho ông Tảo uống 2 viên An Cung Ngưu Hoàng hoàn với hy vọng nhanh khỏi. Uống xong thì ông hôn mê. Bác sĩ xác định bệnh nhân xuất huyết não lại, nặng hơn rất nhiều so với trước.
"Chưa biết An Cung Ngưu Hoàng hoàn tác dụng đến đâu, nhưng nó rõ ràng là thuốc, với các thành phần cần thận trọng khi sử dụng. Vì vậy khi dùng phải đúng liều lượng, chỉ định nghiêm ngặt, nếu không hậu quả sẽ khó lường", bác sĩ Phạm Duệ nói. Đây là trường hợp rất hiếm hoi bác sĩ trực tiếp phát hiện bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng vì dùng An Cung Ngưu.
Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, khoa hồi sức tích cực từng tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nam 74 tuổi ở Hà Nội có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bị đột quỵ, liên quan tới sử dụng An Cung Ngưu.
Người nhà cho biết đã mua mấy hộp An Cung Ngưu Hoàng hoàn về cho bệnh nhân sử dụng để ngừa tai biến, nâng cao sức khỏe. Sau nửa tháng uống thuốc, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê. Khi nhập viện, người bệnh đã chảy máu mũi, miệng, chân răng, giãn đồng tử, phải mở khí quản để thở. Xét nghiệm cho thấy ông bị rối loạn đông máu. Chưa thể kết luận tình trạng bệnh nhân có phải do uống An Cung Ngưu hay không, tuy nhiên sau khi khảo sát tiền sử bệnh lý, các bác sĩ yêu cầu người nhà ngừng cho bệnh nhân uống thuốc An Cung Ngưu và vài ngày sau tình trạng người bệnh đã được cải thiện.
Trên hộp An Cung Ngưu Hoàng hoàn có tên các vị thuốc gồm: Ngưu hoàng (sỏi trong túi mật của con bò hoặc trâu); Thủy ngưu (sừng trâu nước); xạ hương (túi xạ của một số động vật giống đực như hươu xạ, cầy hương, chuột hương); trân châu (ngọc trai); chu sa (một loại khoáng vật); hùng hoàng (khoáng vật); hoàng liên (thảo dược); hoàng cầm (thảo dược); chi tử (thảo dược); uất kim (nghệ).
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, An Cung Ngưu Hoàng hoàn do danh y Ngô Đường người đời Thanh (Trung Quốc) sáng chế ra, sau này được cửa hàng Bắc Kinh Đồng Nhân phục dựng lại. Ban đầu thành phần bài thuốc này có sừng tê giác, sau đó loài vật này có nguy cơ tuyệt chủng, sừng thuộc hàng thuốc cấm nên phải thay thế bằng vị thuốc khác là sừng trâu nước.
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội dược liệu TP HCM, cho rằng bài thuốc An Cung Ngưu chuyên trị ôn nhiệt bệnh, nhiệt tà nội hãm tâm bào, đàm nhiệt ủng bế tâm khiếu dẫn đến sốt cao phiền táo, hôn mê, rối loạn ngôn ngữ, hoặc lưỡi rụt, tay chân giá lạnh, trúng phong khiếu bế, tiểu nhi kinh quyết thuộc đàm nhiệt nội bế.
Trong bài thuốc này, vị Ngưu hoàng có tác dụng thanh tâm giải độc, hóa đờm, khai khiếu, an thần là chủ dược. Hoàng cầm, Hoàng liên, Chi tử tả tâm hỏa, thanh nhiệt độc. Hùng hoàng cùng với Ngưu hoàng khu đàm giải độc. Uất kim, Băng phiến phương hương hóa trọc thông khiếu khai bế. Chu sa, Trân châu trấn kinh an thần. Các vị thuốc hợp lại thành bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khu đàm khai khiếu, trấn kinh an thần.
An Cung Ngưu được biết đến nhiều ở miền Bắc hơn là phía Nam. Phố Lãn Ông ở Hà Nội là khu phố kinh doanh thuốc Bắc lâu đời, gần như cửa hàng nào cũng có bán An Cung Ngưu với nhiều nguồn gốc xuất xứ và giá cả khác nhau. Giới thiệu thuốc phòng trị đột quỵ, chủ hiệu thuốc Đông y ở đầu phố Lãn Ông (Hà Nội) lấy ra 4 loại An Cung Ngưu Hoàng hoàn. Loại hộp vải màu đỏ có giá 300 nghìn đồng một viên. Hai loại hộp gỗ màu xanh giống nhau y hệt về màu sắc, kiểu dáng nhưng bán giá khác nhau 500.000 đồng và 800.000 đồng. Theo chủ cửa hàng, đây là những loại thuốc dự phòng cho người bị cao huyết áp, mỗi tháng uống 2 viên tránh bị đột quỵ.
"Nếu bị đột quỵ rồi phải dùng loại thuốc đắt hơn, giá 1,5 triệu đồng một viên. Mỗi ngày một viên, dùng 3 ngày liên tiếp", chủ hiệu giới thiệu tiếp một sản phẩm An Cung Ngưu khác và nhấn mạnh nó dùng để cấp cứu. Người bán cũng giới thiệu hàng có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong đó An Cung Ngưu của Trung Quốc có nhiều kiểu dáng và giá cả.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) đồng thời là Tổng Thư ký hội phòng chống tai biến mạch máu não, chung quan điểm An Cung Ngưu khiến nhiều người ỷ lại vào thuốc, coi nhẹ cấp cứu. “Khi sử dụng An Cung Ngưu, vì tin tưởng vào hiệu quả của thuốc nên người nhà thường chờ đợi thuốc có tác dụng thay vì đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu, bỏ qua thời điểm vàng điều trị đột quỵ là trong 3 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng", bác sĩ Thắng phân tích. Việc cấp cứu chậm trễ dễ dẫn đến những di chứng nặng nề và có thể nguy hiểm tính mạng.
Theo bác sĩ Thắng, hiện An Cung Ngưu Hoàng hoàn không được các tổ chức thầy thuốc chuyên ngành đột quỵ của các nước trên thế giới khuyến cáo sử dụng trong điều trị và phòng ngừa bệnh lý đột quỵ, kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước sản xuất thuốc này. Trên nguyên tắc y học chứng cứ, các loại thuốc khi sử dụng cho bệnh nhân phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt, để chắc chắn sản phẩm đảm bảo được hiệu quả chữa bệnh và an toàn cho người bệnh.
Theo bác sĩ Thắng, bệnh nhân đột quỵ thường bị rối loạn chức năng nuốt, đặc biệt một số trường hợp đột quỵ nặng bệnh nhân có tri giác lơ mơ hoặc hôn mê… Do vậy, khi cho uống (nước hoặc thuốc) rất dễ làm bệnh nhân sặc và gây ra tình trạng viêm phổi do hít sặc, thường có hậu quả rất nặng nề và có thể dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ Đông y cũng khuyến cáo cần cẩn trọng khi sử dụng An Cung Ngưu Hoàng hoàn, vì nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thuốc rất phức tạp. Tiến sĩ Lê Lương Đống, Phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, An Cung Ngưu Hoàng hoàn là một bài thuốc cổ phương kinh điển. Tuy nhiên gần chục năm nay ông không dám dùng bài thuốc này hay giới thiệu cho ai nữa vì "không còn niềm tin vào An Cung Ngưu".
Phó giáo sư Đống chia sẻ, năm 2005, trong vai trò Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế, ông đến thăm Bắc Kinh Đồng nhân đường - cơ sở chính thống bào chế thuốc An Cung Ngưu Hoàng hoàn tại Trung Quốc. Khi ấy nơi đây có hai loại An Cung Ngưu, một loại được bán với giá 350 nhân dân tệ, trong khi loại kia chỉ 100 tệ một viên. Chủ cơ sở bào chế cho biết: Loại thuốc đắt tiền dùng ngưu hoàng tự nhiên (sỏi trong mật bò) trong thành phần chính của thuốc, còn loại rẻ hơn dùng ngưu hoàng nhân tạo.
“Thuốc cần chữ tín, không thể có loại tốt và loại ‘gần tốt bằng’. Tôi nghe những điều trên đã thấy gợn gợn, không còn niềm tin hoàn toàn vào bài thuốc quý đó nữa”, phó giáo sư Lê Lương Đống chia sẻ.
Ông cho biết, thời điểm đó Cục quản lý dược Việt Nam đã cho nhập An Cung Ngưu hoàng hoàn từ Trung Quốc về, giá thành khi ấy khoảng 450.000 đồng một viên, thị trường bán khoảng 750.000-800.000 đồng một viên. Ngày nay, một số nơi bán cả An Cung Ngưu nội địa hoặc giá rất cao, nhiều nguồn gốc trong khi không có căn cứ về chất lượng.
Ông cho rằng, thuốc y học cổ truyền có rất nhiều ưu điểm: Đã được thử nghiệm hàng nghìn đời; Nguồn từ tự nhiên nên có thể dùng lâu dài mà không sợ tích lũy gây hại cho sức khỏe; Có tác dụng toàn thân, chữa bệnh tận gốc. Tuy nhiên bất cứ loại thuốc nào - kể cả đông y lẫn tây y, ví dụ như loại vẫn được coi là thông dụng nhất như paracetamol - cũng có thể gây hại cho sức khỏe nếu dùng không đúng.
Để người dân dùng thuốc an toàn, hiệu quả, theo ông Đống, cần có những đơn vị đủ tư cách pháp nhân xuất nhập khẩu thuốc để đảm bảo chất lượng nguồn thuốc; Củng cố hệ thống kiểm nghiệm thuốc mạnh hơn; Xây dựng đội ngũ dược sĩ y học cổ truyền... Ngoài ra, người bệnh cần đến những cơ sở điều trị có uy tín để được tư vấn, giúp đỡ.
Chiều 27/8/2014, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ra quyết định thu hồi và tiêu hủy sản phẩm chức năng An cung ngưu Hoàng Hoàn (Angunguhwanghwan), do Triều Tiên sản xuất vì chứa thủy ngân, asen và chì đều vượt ngưỡng.
Động thái trên được Cục An toàn thực phẩm đưa ra trước kết quả kiểm nghiệm sản phẩm này chứa hàm lượng thủy ngân và asen cao vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép. Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương đã lấy mẫu sản phẩm này tại Showroom Hồng Sâm LC Tacy, Hà Nội.
Cục yêu cầu Công ty dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm thực phẩm Angunguhwanghwan nêu trên và báo cáo kết quả về Cục trước ngày 29/8.
Thực phẩm chức năng An cung ngưu Hoàng Hoàn do Công ty TNHH thương mại Mannyon Việt Nam nhập khẩu vào Việt Nam. Sản phẩm do Công ty Korea General Mannyon Health Corporation Chongryu No2, Taedonggang district Pyongyang, Triều Tiên sản xuất; được Cục An toàn thực phẩm cấp số xác nhận công bố số 12570/2013/ATTP-XNCB ngày 8/07/2013.
Theo báo cáo của công ty, sản phẩm này được nhập vào Việt Nam vào tháng 6/2014 với số lượng 30 hộp, mục đích để giới thiệu. Trong số này có 4 hộp đã được cơ quan kiểm nghiệm chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm và hiện còn lại 26 hộp ...
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.