Bệnh lý Thần kinh

Thứ 7 ngày 24 tháng 04 năm 2021Lượt xem: 15531

Thầy thuốc như mẹ hiền.

 

Thái độ ứng xử rất quan trọng ở bất cứ nơi đâu, trong bệnh viện càng … phải vậy. Trong bệnh viện, thái độ ứng xử được xếp hàng đầu cho sự thành công, đạt sự hài lòng của người bệnh, nó luôn đi trước phần kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.

Khi người bệnh tìm đến bệnh viện thì thái độ của thầy thuốc rất quan trọng bởi người bệnh và người nhà luôn nhìn thái độ thầy thuốc để đoán bệnh tình của họ và hình thành cả cảm tình tốt xấu đối với thầy thuốc trong tiếp xúc. Trước hết, lời nói của thầy thuốc rất quan trọng đối với người bệnh. Lời nói là kết quả phản ánh cái tâm thầy thuốc qua giọng nói, ngôn từ, ánh mắt cùng với những kinh nghiệm, tri thức, vốn sống, đạo đức của người thầy thuốc.

Trong tiếp xúc, thầy thuốc phải tế nhị trong khi hỏi bệnh sử và cần để người bệnh tự giác trình bày. Một đặc điểm lớn nhất trong khám chữa bệnh là thầy thuốc biết lắng nghe. Cuộc đối thoại giữa người bệnh và thầy thuốc phải luôn luôn trong không khí thân mật tôn trọng, người thầy thuốc phải chú ý lắng nghe mọi lời nói, mọi tư tưởng, mọi suy nghĩ, lắng nghe những sâu kín đằng sau những lời nói của người bệnh. Bên cạnh lời nói người bệnh có thể dùng cử chỉ, thái độ, nét mặt, cái nhìn ... trong đối thoại, vì vậy thầy thuốc phải “nghe bằng mắt” để hiểu được những điều sâu kín của người bệnh. Người thầy thuốc cần đồng cảm với những lo lắng của người bệnh và người nhà, phải tận tâm, tận tụy, giải thích rõ ràng thấu đáo về những vướng mắc của người bệnh để người bệnh có thể tin tưởng và đặt niềm tin ở người thầy thuốc.

Chữa bệnh, thầy thuốc còn chữa cả tâm trạng người bệnh, vì vậy thầy thuốc phải nghiên cứu tâm lý người bệnh, các biểu hiện rối loạn quá trình tâm lý, biết trạng thái người bệnh trước khi vào viện và trong lúc nằm viện như thế nào? Phải nghiên cứu kỹ tâm lý người bệnh một cách toàn diện.

Vì vậy, người thầy thuốc đòi hỏi phải có một năng lực trí tuệ nhất định, một sự tinh thông nghề nghiệp kỹ càng, hết lòng tận tụy tận tâm với nghề và một trái tim biết rung cảm mạnh mẽ với nỗi đau của người bệnh. Sự tinh thông nghề nghiệp hay "kinh nghiệm lâm sàng" là một yếu tố rất quan trọng trong ngành y. Đứng trước người bệnh, đằng sau những quan sát, khám xét người bệnh để phát hiện triệu chứng bệnh tật; việc suy luận lâm sàng và kiến thức lý thuyết với bệnh lý đó cực kỳ quan trọng. Nhiều khi sự không phù hợp giữa lý thuyết bệnh lý và thực tế khám xét sẽ phát sinh ra những câu hỏi mà thầy thuốc phải trả lời; chỉ khi có đáp án thỏa đáng thì người thầy thuốc mới thực sự hài lòng. Người bệnh khỏi bệnh, đó là niềm vui và sự khích lệ lớn nhất của người thầy thuốc.

---

 

P/S: Cas bệnh khó.

Một buổi sáng tôi nhận được cuộc điện thoại của một bác sĩ quen biết, ở một phòng khám có uy tín tại Hải Phòng: nhờ khám cho một bệnh nhân nghi ngờ bị tai biến mạch máu não. Bệnh nhân rất trẻ!?

-

Đó là một bệnh nhân nam, 37 tuổi, khoảng 78 kg, thể trạng rất khỏe. Bệnh nhân than phiền là yếu cẳng tay trái nhẹ khoảng 1 tuần nay, trước đó thì khỏe mạnh bình thường.

Khi tôi khám bệnh nhân thấy biểu hiện tổn thương ở vùng cẳng tay trái (cụ thể là tổn thương tại dây thần kinh quay ở vị trí đoạn khuỷu tay: phản xạ gân xương và cơ lực giảm nhẹ, nhưng có teo cơ vị trí dây thần kinh quay này chi phối?)

Bệnh nhân được làm xét nghiệm ghi điện cơ (đánh giá chức năng dây thần kinh quay tại vị trí này), kết quả là có tổn thương dây thần kinh quay vị trí dưới đoạn khuỷu tay rất kín đáo.

Sau khi xâu chuỗi toàn bộ tình trạng bệnh lý và xét nghiệm vừa làm. Có nhiều câu hỏi được đặt ra với tôi?

   - Thứ nhất: đây không phải là một biểu hiện của bệnh lý tai biến mạch máu não.

   - Thứ hai: có sự không phù hợp giữa biểu hiện yếu tay (tổn thương thần kinh quay) và xét nghiệm ghi điện cơ!?

Tôi bắt đầu lại việc khám xét bệnh nhân để phát hiện thêm những bất thường. Sau đó tiếp tục hỏi lại quá trình biểu hiện bệnh lý của bệnh nhân một lần nữa. Hy vọng tìm ra được lời giải thích thỏa đáng hơn?

Tuy nhiên, không tìm thêm được thông tin gì khác ban đầu!?

Sau một hồi suy nghĩ đắn đo; tôi quyết định cần chụp cắt lớp vi tính sọ não cho bệnh nhân, hy vọng tìm thấy một tổn thương kín đáo gây biểu hiện như vậy ở tay?

Kết quả thật bất ngờ:

(Hình ảnh tổn thương não của bệnh nhân nam 37 tuổi - Hình ảnh đã được sự chấp thuận của bệnh nhân)

 

Hình ảnh xét nghiệm ghi điện cơ ở bệnh nhân này:

 

 

(Hình ảnh tổn thương thần kinh quay của bệnh nhân nam 37 tuổi - Hình ảnh đã được sự chấp thuận của bệnh nhân)

ktk@vn


Tài liệu tham khảo     >>> Mời xem

1. Vai trò xét nghiệm Điện cơ trong thực hành lâm sàng Thần kinh.

2. Vai trò xét nghiệm Điện cơ trong chẩn đoán bệnh nhân bị Tê tay.

3. Khi nào bạn cần đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Thần kinh.

4. Bệnh nhân Liệt tứ chi nhờ có xét nghiệm Điện cơ đã chẩn đoán bệnh kịp thời.

5. Khung giờ vàng điều trị tai biến mạch máu não.

6. Co cứng cơ sau đột quỵ não, nên làm gì?

7. Xử trí tai biến mạch máu não, ý kiến của những chuyên gia Châu Âu?

8. Can thiệp mạch trong Nhồi máu não.


 

Những điều y đức trong đảm bảo bí mật riêng tư của bệnh nhân.

 

12 điều y đức – Bộ y tế Việt Nam (Quyết định số 2088/BYT – QĐ ngày 06/11/1996).

Điều số 3: Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự…

 

Quy ước đạo đức ngành y – Hiệp hội Y khoa Thế giới.

Điều số 15: Tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân. Không tiết lộ bất cứ thông tin nào về bệnh nhân cho bất cứ ai, nếu không có sự đồng thuận của bệnh nhân.

 

Nguyên tắc đạo đức y khoa – Hội y học Mỹ.

Điều số 4: Người thầy thuốc phải tôn trọng quyền của bệnh nhân, đồng nghiệp và các nhân viên y tế khác và phải bảo vệ sự riêng tư của bệnh nhân trong phạm vi luật pháp cho phép.

 

---

KHÁM THẦN KINH TẠI HẢI PHÒNG  |  Chúng tôi luôn luôn tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng.