TỔN THƯƠNG DÂY THẦN KINH - CƠ

Thứ 3 ngày 02 tháng 04 năm 2024Lượt xem: 7386

Đau cơ biểu hiện như nào?

Đau cơ (hay còn được gọi là đau nhức cơ bắp) là tình trạng một nhóm cơ căng buốt hoặc co rút, gây nên triệu chứng đau, thường gặp phải sau khi vận động quá mức.

Vì cơ bắp bao gồm dây chằng, gân, các mô mềm liên kết giữa cơ, xương cùng các cơ quan và nằm ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể. Do đó, bạn có thể bị đau cơ ở bất kỳ đâu như đau cơ cổ, đau cơ vai, đau cơ chân… và đôi khi bạn cảm thấy đau nhức cơ bắp ở nhiều bộ phận khác nhau. Thậm chí, các cơn đau có thể xảy ra cùng lúc.

1. Đau biểu hiện như nào?

Đau nhức cơ bắp có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào tình trạng đau của từng người mà có một số triệu chứng dễ nhận thấy như:

   - Vùng bị tổn thương thường sưng viêm, đỏ tấy hoặc bầm tím.

   - Khi sử dụng cơ bắp bị tổn thương sẽ gây đau đớn.

   - Đau khi nghỉ ngơi.

   - Khả năng vận động cơ bắp suy giảm.

   - Nhức mỏi cơ, đau khớp.

   - Sốt.

Thông thường đau nhức cơ bắp từ nhẹ đến trung bình sẽ tự khỏi sau vài tuần, còn đau cơ nặng thì khoảng vài tháng cần được phát hiện và điều trị sớm.

2. Cơn đau cơ do tập luyện biểu hiện như nào?

Một trong các nguyên nhân dẫn đến đau cơ khi luyện tập là do không khởi động, làm ấm cơ thể trước và hạ nhiệt sau khi vận động.

Thông thường sau khi tập thể dục, đặc biệt là với những bài tập mới, cường độ vận động cao hơn thì nhiều người thấy bị đau nhức cơ bắp sau đó vài ngày. Lý do là có vết rách nhỏ trong sợi cơ và mô liên kết xung quanh khi tập luyện. Cơn đau xuất hiện khoảng 12 giờ và đau nhất vào 48 đến 72 giờ sau khi tập thể dục. Kiểu cơn đau này được gọi là trì hoãn khởi phát đau cơ.

Nếu đau cơ do luyện tập thường có những đặc điểm như:

   - Mức độ đau giảm dần.

   - Cơn đau hết trong vài ngày hoặc 1-2 tuần.

   - Đã xác định rõ nguyên nhân đau cơ là do luyện tập quá mức, thực hiện nhiều động tác lặp đi lặp lại.

3. Nhận biết cơn đau cơ do bệnh lý.

Nếu cơn đau nhức cơ bắp kéo dài trên 2 tuần kèm theo mức độ đau tăng dần gây khó chịu và hạn chế khả năng vận động hàng ngày thì có thể đây là cơn đau cơ do các bệnh lý gây ra như:

   - Đau cơ xơ hóa: Đau cơ xơ là cơn đau xảy ra ở 2 bên người, phần trên và dưới thắt lưng dẫn đến ê ẩm khắp người, mệt mỏi và mất ngủ hoặc trầm cảm nhưng không có tổn thương thực thể tại cơ, xương, khớp.

   - Bệnh nhiễm trùng: Đau cơ cũng có thể do bệnh nhiễm trùng nếu như bạn đã thử nhiều cách giảm đau nhưng không hết, chỗ đau bị sưng đỏ và có dấu hiệu bị sốt liên tục.

   - Viêm khớp: Viêm khớp có thể gây nên cơn đau nhức cơ bắp. Vì khi bị đau thì vùng cơ sẽ tự động co rút lại, do vậy khiến bạn đau nhức cơ hơn.

   - Bệnh cúm: Cúm tạo ra protein cytokine, gây viêm, dẫn đến đau nhức cơ bắp.

   - Tiêu cơ vân: Nếu bạn tập những bài tập nặng như CrossFit thì sẽ có nguy cơ bị tiêu cơ vân nếu tập quá sức. Tiêu cơ vân là tình trạng mô cơ bị phá hủy, giải phóng protein vào máu và gây hư hại cho thận. Bệnh lý này có những dấu hiệu như đau nhức, cứng cơ và nước tiểu sẫm màu.

   - Hội chứng đau cân cơ: Đây là một rối loạn đau mãn tính. Trong hội chứng đau cân cơ, khi nhấn vào điểm nhạy cảm trong cơ bắp của bạn sẽ gây ra tình trạng đau ở vùng khác không liên quan vùng bị đau của cơ thể bạn. Hội chứng đau cân cơ thường xảy ra sau khi một cơ bị co rút lại nhiều lần. Nguyên nhân có thể do một hoạt động lặp đi lặp lại trong công việc hay trong giải trí hoặc tình trạng stress làm cơ co thắt liên tục.

   - Co cứng cơ sau đột quỵ: Thời gian xuất hiện co cứng cơ có thể một vài tháng hoặc vài năm sau tổn thương. Co cứng cơ kết hợp với liệt cơ là những yếu tố quan trọng gây giảm hoặc mất chức năng của bệnh nhân, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tóm lại, nếu thấy có những dấu hiệu bất thường trên thì nên đến bác sĩ để được thăm khám và xét nghiệm chức năng cơ (ghi điện cơ) giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời.

ktk.vn st