Tâm thần

Thứ 2 ngày 04 tháng 09 năm 2023Lượt xem: 10824

Tâm thần phân liệt.

 

Tâm thần phân liệt là bệnh lý loạn thần nặng và mạn tính, ảnh hưởng đến tư duy, hành vi và cảm xúc. Tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến các lĩnh vực của cuộc sống bao gồm hoạt động cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục và nghề nghiệp.

#1   Các triệu chứng nhận biết bệnh.

              Ảo giác: khi một người nhìn thấy, nghe hoặc cảm thấy những điều không thực tế.

Hoang tưởng: khi một người tin vào những điều bất thường, không phù hợp hoàn cảnh và không thể thuyết phục họ.

Rối loạn hình thức tư duy: suy nghĩ kỳ quặc, phi lý, …

Triệu chứng âm tính: thu mình, cách ly khỏi xã hội, khó thể hiện cảm xúc hoặc khó khăn trong các hoạt động bình thường. Các triệu chứng có thể gặp như vô cảm, giảm động lực, lười vệ sinh cá nhân, …

Các triệu chứng khác: hành vi và trang phục khác thường; vấn đề với trí nhớ; thay đổi thói quen ăn, ngủ; Vấn đề tập trung, chú ý

Thay đổi cảm xúc: các thay đổi có thể là trầm cảm, lo âu, căng thẳng, sợ hãi, dễ cáu giận, tức giận hoặc thay đổi tâm trạng, có khi lại hưng phấn vui vẻ, có khi lại thờ ơ không giao tiếp nói chuyện với ai, không quan tâm đến mọi việc xảy ra xung quanh

Hành vi tác phong: hành vi thay đổi, học tập và làm việc kém đi, trở nên ít hoạt động, cô lập hơn, giảm quan tâm đến xã hội xung quanh.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến khoảng 24 triệu người hoặc 1 trên 300 người (0,32%) trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ 0,3-0,5% dân số. Khởi phát thường xuyên nhất vào cuối tuổi vị thành niên và những năm 20 tuổi.

 

#2   Nguyên nhân sinh bệnh.

              Các nghiên cứu cho thấy vai trò bệnh sinh có liên quan đến sự tương tác giữa gen và một loạt các yếu tố môi trường có thể gây ra bệnh tâm thần phân liệt:

Yếu tố sinh học: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự biến đổi các chất dẫn truyền thần kinh (dopamine, serotonin và N-methyl-D-aspartate NMDA) và yếu tố nuôi dưỡng thần kinh (BDNF) có liên quan đến các triệu chứng tâm thần phân liệt.

Yếu tố di truyền: các nghiên cứu cho thấy tâm thần phân liệt có vai trò di truyền liên kết đa gen, đa nhân tố. Nếu một trong số cha mẹ mắc tâm thần phân liệt, con có nhiều khả năng mặc bệnh.

Yếu tố tâm lý: các yếu tố tâm lý xã hội như các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát và tiến trình của bệnh tâm thần phân liệt.

Yếu tố sử dụng chất: có mối quan hệ chặt chẽ việc sử dụng cần sa và bệnh tâm thần phân liệt.

 

#3   Bệnh có nguy hiểm không?

              Nguy cơ tự sát: khoảng 5% - 6% bệnh nhân tâm thần phân liệt tự sát thành công, khoảng 20% có toan tự sát một hoặc nhiều lần. Hành vi tự sát đôi khi là để đáp ứng với ảo thanh ra lệnh làm hại bản thân hoặc người khác.

Nguy cơ kích động, bạo lực: các nghiên cứu cho thấy tâm thần phân liệt có liên quan đến các hành vi kích động, bạo lực. Các hành vi kích động có thể gặp như lời nói gây hấn, hành vi gây hấn với người khác, đập phá đồ đạc hoặc tự làm tổn thương bản thân.

Ngoài ra, khi bệnh tâm thần phân liệt không được điều trị hoặc điều trị không phù hợp có thể làm gia tăng xuất hiện các triệu chứng âm tính, nhận thức làm suy giảm chức năng nghề nghiệp và xã hội, gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 

#4   Ai có nguy cơ mắc bệnh cao?

              Các nghiên cứu cho thấy rằng bệnh tâm thần phân liệt có vai trò của di truyền đa gen. Nếu một trong số cha mẹ mắc tâm thần phân liệt, con có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt cao hơn người không có tiền sử. Tâm thần phân liệt khởi phát có xu hướng xảy ra sớm hơn ở nam giới so với nữ giới.

 

#5   Các phương pháp điều trị.

              Tâm thần phân liệt được điều trị bằng các liệu pháp hóa dược, có thể kết hợp với các liệu pháp tâm lý và điều biến não. Có thể phải nhập viện nếu các triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt là kích động, hoặc có ý nghĩ tự sát. Điều trị càng sớm thì kết quả càng tốt.

Điều trị hóa dược: bác sĩ có thể sử dụng các thuốc chống loạn thần để giúp cho giảm hoặc hết các triệu chứng loạn thần. Các thuốc chống loạn thần có thể sử dụng thế hệ mới (Risperidon, Olanzapin,…) hay các nhóm thuốc cổ điển (Haloperidol, Aminazin,..). Ngoài ra, có thể kết hợp với các thuốc nhóm Benzodiazepin (Diazepam, Lorazepam) để tăng hiệu quả điều trị.

Liệu pháp tâm lý: có nhiều liệu pháp tâm lý: tâm lý cá nhân, gia đình, nhóm… Thiết lập mối quan hệ thầy thuốc - người bệnh - gia đình để nâng đỡ người bệnh vượt qua gia đoạn khủng hoảng về mặt tâm lý. Liệu pháp tâm lý cá nhân giúp người bệnh hiểu về bệnh của mình. Liệu pháp gia đình giúp ổn định lại cấu trúc gia đình, tạo điểm tựa cho người bệnh hòa nhập trong cộng đồng.

Liệu pháp điều biến não: liệu pháp kích thích từ xuyên sọ, sốc điện được chứng minh có hiệu quả trong điều trị tâm thần phân liệt.

#6   Lời khuyên.

              Nếu bạn hoặc người xung quanh có các dấu hiệu gợi ý tâm thần phân liệt, bạn hãy liên hệ với các chuyên gia về sức khỏe tâm thần để có được lời khuyên và sự hỗ trợ tốt nhất.

Khi bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh lý tâm thần phân liệt cần tuân thủ điều trị của bác sĩ chuyên khoa tâm thần, đồng thời có lối sống lành mạnh, tác động tích cực về bệnh như tránh sử dụng rượu và các chất ma túy, quản lý các căng thẳng trong cuộc sống, đảm bảo ngủ đủ giấc, đảm bảo chế độ rèn luyện vận động như đi bộ, chạy hoặc bơi,…

ktk.vn tham khảo