TỔN THƯƠNG DÂY THẦN KINH - CƠ

Thứ 4 ngày 25 tháng 10 năm 2023Lượt xem: 7230

Trượt đốt sống thắt lưng biểu hiện như nào?

Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng đốt sống trên trượt ra phía sau hoặc phía trước so với đốt sống dưới. Tình trạng này khiến người bệnh đau thắt lưng, đi đứng trở nên khó khăn, đau lan xuống một hoặc cả hai chân.

Theo tác giả Wiltse – Newman, trượt đốt sống thắt lưng được chia thành 6 loại:

   - Trượt đốt sống thắt lưng do bẩm sinh.

   - Trượt đốt sống thắt lưng do khuyết eo.

   - Trượt đốt sống thắt lưng do thoái hóa.

   - Trượt đốt sống thắt lưng do bệnh lý.

   - Trượt đốt sống thắt lưng do chấn thương.

   - Trượt đốt sống thắt lưng sau phẫu thuật.

Các mức độ của trượt đốt sống thắt lưng: mức độ trượt đốt sống lưng được xác định bằng tỉ lệ dựa trên phim X quang quy ước ở tư thế nghiêng. Tỷ lệ trượt được tính bằng khoảng cách trượt với độ rộng của thân đốt sống trượt. Theo tác giả Myerding trượt đốt sống thắt lưng được chia thành 5 mức độ như sau:

   - Độ 1: trượt 0 – 25% thân đốt sống.

   - Độ 2: trượt 26 – 50% thân đốt sống.

   - Độ 3: trượt 51 – 75% thân đốt sống.

   - Độ 4: trượt 76 – 100% thân đốt sống.

   - Độ 5: trượt hoàn toàn, đốt trên hoàn toàn rời khỏi bề mặt thân đốt dưới.

Mức độ trượt càng cao thì bệnh trượt đốt sống lưng càng nặng và cần phải tiến hành chữa trị kịp thời, để càng lâu mức độ trượt càng cao.

1. Triệu chứng trượt đốt sống thắt lưng.

Trong giai đoạn đầu, thường bệnh nhân trượt đốt sống thắt lưng không có triệu chứng hoặc chỉ có đau lưng thoáng qua, không rõ ràng.

Giai đoạn tiếp theo, người bệnh sẽ bắt đầu đau thắt lưng với các biểu hiện như: đau lưng nhiều, đau khi đi lại, đứng lâu, cúi ngửa cột sống, đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân, kèm tê bàn chân, đau tăng lên khi ho, hắt hơi… Cơn đau sẽ tăng khi cột sống phải chịu lực như khi đứng, đi bộ, lao động…nhưng khi nằm nghỉ thì đau giảm hẳn hoặc hết đau. Ở giai đoạn này, người bệnh thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng lên khó khăn, đôi khi còn tự cảm nhận được sự trượt của đốt sống khi cúi, ngửa.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh trượt đốt sống thắt lưng có thể thay đổi tư thế và dáng đi, co cứng cơ ở thắt lưng và sự căng cơ ở mặt trong đùi, đi hơi khom lưng, thậm chí có thể bị vẹo cột sống sang bên. Tình trạng đau cột sống thắt lưng từng đợt, đau theo cơn và các cơn đau ngày càng xuất hiện dày lên. Khi sử dụng áo nẹp cột sống thì triệu chứng này giảm rõ rệt.

Khi khám ở tư thế đứng, người bệnh thường cong vẹo cột sống, khi ưỡn quá mức sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau hơn. Đây là dấu hiệu đặc trưng để chuẩn đoán bệnh trượt đốt sống lưng. Dấu hiệu đau cách hồi kết hợp với các biểu hiện tê bì, căng đau cả hai chân khi đi bộ; không xuất hiện khi bệnh nhân đi xe đạp cũng là những triệu chứng rất quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt bệnh trượt đốt sống lưng với bệnh thoát vị đĩa đệm.

2. Chẩn đoán trượt đốt sống thắt lưng.

Để xác định người bệnh có bị trượt đốt sống lưng hay không, bên cạnh việc quan sát và theo dõi các triệu chứng kể trên, bác sĩ sẽ phải tiến hành các phương pháp chấn đoán sau:

   - Chụp X-quang quy ước ở các tư thế: thẳng, nghiêng, cúi tối đa và ưỡn tối đa. Một số trường hợp có thể phải chụp thêm film chếch 3⁄4 (phải, trái). X quang quy ước giúp chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ trượt đốt sống lưng.

   - Cắt lớp vi tính (CT Scan): là công cụ chẩn đoán rất hiệu quả để đánh giá về cấu trúc xương, xác định vị trí, mức độ trượt cũng như các tổn thương của eo, mấu khớp, hẹp ống sống…

   - Cộng hưởng từ (MRI): đây là công cụ lý tưởng để đánh giá tổn thương về mô mềm và sự chèn ép thần kinh trong trượt đốt sống lưng. Trên phim cộng hưởng từ, bác sĩ có thể phát hiện các nguyên nhân gây chèn ép thần kinh: đĩa đệm thoát vị, các tổ chức xơ sẹo, dây chằng dày, hẹp lỗ ghép…

3. Hậu quả nghiêm trọng do trượt đốt sống.

Tùy vào thể trạng từng người cũng như mức độ trượt đốt sống mà hậu quả để lại cho từng người cũng khác nhau.

Nếu chỉ bị dưới 50% đốt sống do khuyết eo đốt sống thì cũng không có gì quá nghiêm trọng. Người bệnh sẽ bị đau thắt lưng và đau dần xuống chân, đau khi di chuyển. Hầu hết các bệnh nhân bị bệnh ở mức độ nhẹ do khuyết eo đốt sống (trong trường hợp đã chụp X-quang) thì sẽ không thấy đau, thậm chí là không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cần điều trị nếu có những biểu hiện đau hay khó khăn đi lại. Ban đầu là những cơn đau ở thắt lưng khi bệnh nhân di chuyển hay đứng quá lâu, sau là căng cơ, đau đùi, mông và cẳng chân. Khi vận động cúi, ngửa hay những hành động liên quan trực tiếp tới đốt sống, bệnh nhân có thể cảm nhận rõ ràng các đốt sống bị trượt.

Bệnh trượt đốt sống do khuyết eo ở cấp độ nặng sẽ khiến bề mặt thân đốt sống lệch hơn 50% và gây nên gù. Biến chứng này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 10% và thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên. Người bệnh sẽ đi hơi khom lưng về phí trước hoặc vị veo cột sống sang một bên. Không điều trị kịp thời thì khi xoay lưng, khung chậy cũng xoay theo, hai cơ bên mông teo đi do không hoạt động. Dáng đi lúc này của người bệnh giống như dáng trẻ sơ sinh tập đi vậy.

4. Các phương pháp điều trị trượt đốt sống thắt lưng.

Hiện nay, có các phương pháp điều trị trượt đốt sống lưng phổ biến sau:

Điều trị nội khoa: phần lớn bệnh nhân trượt đốt sống lưng ược điều trị nội khoa sẽ cải thiện rõ rệt các cơn đau. Đối với bệnh nhân tuổi thiếu niên, nằm nghỉ mặc áo cố định, hạn chế các hoạt động để cải thiện được các triệu chứng. Với bệnh nhân là người trưởng thành, điều trị bảo tồn trượt đốt sống lưng như sau:

   - Cố định ngoài và hướng dẫn vận động.

   - Chỉ định nằm nghỉ trong các đợt đau cấp

   - Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm

   - Điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tập thể dục tăng cường sức cơ lưng, đùi, bụng.

   - Giảm cân nếu người bệnh bị béo phì.

Phẫu thuật: chỉ tiến hành phẫu thuật bệnh nhân bị trượt đốt sống lưng trong các trường hợp sau:

   - Trượt đốt sống đã được điều trị bảo tồn ít nhất 6 tuần trước và thường sau 6 – 12 tháng điều trị bảo tồn mà không hiệu quả.

   - Bệnh nhân đau nhiều, không đáp ứng với các biện pháp nghỉ ngơi và dùng thuốc.

   - Trượt đốt sống lưng gây các biến chứng: liệt vận động, teo cơ, rối loạn cơ vòng bàng quang.

   - Trượt đốt sống nặng, tiến triển do khuyết eo đốt sống ở trẻ nhỏ.

ktk.vn tk